BỆNH SỞI LÀ GÌ. NGUYÊN NHÂN BỆNH SỞI?
Bệnh sởi là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi rút Polinosa Morbillarum gây ra có tính lây lan nhanh và rộng từ người này sang người khác, đặc biệt tại thành phố hoặc địa phương có mật độ dân cư đông đúc. Bệnh có thể thành dịch. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sởi diễn tiến thành các biến chứng nặng khó hồi phục và có thể tử vong.
PHƯƠNG THỨC LÂY TRUYỀN BỆNH SỞI
Virus vào cơ thể qua đường thở khi hít vào hoặc tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc chất nhầy của bệnh nhân bị nhiễm bệnh khi bệnh nhân ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. hững giọt nước bọt có chứa virus sẽ bắn ra không khí và lơ lửng trong không khí trong khoảng từ 1 đến 2 giờ. Người khỏe mạnh khi hít phải hoặc chạm tay vào bề mặt các vật dụng có vi rút sau đó đưa lên mũi, miệng hoặc dụi mắt đều có nguy cơ cao nhiễm sởi qua các hoạt động sinh hoạt hằng ngày như:
- Dùng chung đồ uống hoặc thức ăn với người bị bệnh sởi
- Tiếp xúc gần với người bị bệnh sởi như hôn, nắm tay, bắt tay, ôm…
- Đưa tay chạm vào bề mặt có chứa virus rồi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt như nói trên
- Lây từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, sinh nở hoặc cho con bú
ĐỐI TƯỢNG DỄ MẮC BỆNH
- Trẻ em, đặc biệt trẻ suy dinh dưỡng hoặc chưa chích ngừa sởi
- Người lớn tuổi,
- Người mang bệnh nền mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim, bệnh tâm phế mạn (COPD), bệnh suy gan, bệnh suy thận,…
- Phụ nữ mang thai,
- Người thường xuyên đi du lịch nhiều nơi,
- Người đang chăm sóc, tiếp xúc với người bệnh…
DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG BỆNH SỞI
Có ba giai đoạn
- Giai đoạn đầu: Là giai đoạn ủ bệnh kéo dài 10 – 12 ngày sau khi vi rút vào cơ thể qua đường hô hấp: Chưa có triệu chứng.
- Giai đoạn tiền triệu kéo dài 5-15 ngày, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên của sởi như sốt nhẹ đến sốt vừa có lúc sốt cao thậm chí co giật, ho khan, chảy nước mũi, viêm kết mạc mắt. Sau đó nội ban (hay hạt Koplik), là các hạt trắng nhỏ, li ti mọc ở niêm mạc má phía trong miệng và ngang răng hàm. Xung quanh hạt Koplik thường có xung huyết đỏ đậm. Các hạt Koplik xuất hiện và biến mất cũng rất nhanh, chỉ trong vòng từ 12-24 giờ. Ngoài ra, trong giai đoạn đầu của bệnh sởi, kết mạc mắt của người bệnh có thể bị viêm đỏ và có dấu hiệu sợ ánh sáng.
- Giai đoạn phát ban là triệu chứng sởi điển hình. Ban sởi dạng dát sẩn, ban gồ trên bề mặt da, không đau, không hoặc ít ngứa và không mưng mủ. Ban sởi sẽ mọc tuần tự trên da theo thứ tự từ đầu, mặt, cổ, sau đó đến ngực, lưng, cánh tay và cuối cùng là bụng, mông, đùi và chân. Khi ban sởi mọc đến chân, bệnh nhân hết sốt và ban bắt đầu lặn dần. Khi ban sởi lặn có thể để lại những vết thâm trên da, gọi là dấu hiệu “vằn da hổ”.
CÁC BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH SỞI
- Nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, đúng cách, vi rút sởi có thể gây nhiều biến chứng nặng nề cho người bệnh như:
- Biến chứng đường hô hấp: Viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phế quản-phổi.
- Biến chứng thần kinh: Viêm màng não, viêm não vô cùng nguy hiểm với khả năng dẫn đến tử vong và di chứng cao.
- Biến chứng đường tiêu hóa: Viêm niêm mạc miệng, viêm ruột, đặc biệt cam tẩu mã, là một biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm do bội nhiễm vi khuẩn, biểu hiện bằng viêm họng, miệng, hoại tử lan rộng, có khả năng làm thủng thành trên miệng thông với mũi, xương gò má, môi, mắt, sau đó lan lên não và tử vong. Can tẩu mã có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
- Biến chứng tai-mũi-họng: Viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai, viêm tai xương chũm
- Ở phụ nữ mang thai mắc sởi sẽ tăng nguy cơ tử vong cho thai phụ, gây sảy thai, sinh non, thai chết lưu. Đặc biệt, nếu mắc sởi vào cuối thai kỳ, trẻ sinh ra có nguy cơ nhiễm sởi, tỷ lệ tử vong cao do biến chứng viêm phổi, viêm gan cấp, viêm não cấp.
- Ngoài ra, sởi còn gây suy giảm miễn dịch, khiến người bệnh dễ bội nhiễm các loại vi khuẩn khác như lao, ho gà, thủy đậu…
CHẨN ĐOÁN SỚM BỆNH SỞI
Bác sĩ hỏi bệnh, khám lâm sàng toàn thân và căn cứ các dấu hiệu, triệu chứng đặc trưng bệnh sởi như sốt cao, dấu hiệu Koplik, ban da dạng sởi,… Ngoài ra, để xác định tổn thương do biến chứng và xác định vi rút sởi, Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm:
- Xét nghiệm máu phát hiện bất thường tế bào máu do nhiễm vi rút hay bội nhiễm vi khuẩn
- Chụp X-quang phổi phát hiện tình trạng biến chứng viêm phổi, tổn thương nhu mô phổi,..
- Xét nghiệm phát hiện virus sởi: Xét nghiệm tìm kháng thể IgM hoặc thực hiện phản ứng khuếch đại gen (RT-PCR), phân lập virus từ máu, dịch mũi họng giai đoạn sớm nếu có điều kiện.
ĐIỀU TRỊ BỆNH SỞI NHƯ THẾ NÀO?
- Khi phát hiện người mắc bệnh sởi, cần sớm cách ly để tránh trở thành nguồn lây cho gia đình và những người xung quanh, đồng thời điều trị sớm để tránh những biến chứng.
- Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu diệt vi rút sởi. Các phương pháp điều trị sởi chủ yếu là điều trị triệu chứng sốt cao bằng lau mát bằng nước ấm, thuốc giảm sốt, uống nhiều nước trái cây nhằm bổ sung chất điện giải. Dinh dưỡng đầy đủ nâng thể trạng. Vệ sinh da, nhỏ mắt, mũi bằng dung dịch Chloromycetin, Argyrol. Không tự ý dùng Kháng sinh khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
- Khi có dấu hiệu bất thường cần đến khám hoặc nhập viện ngay để được cấp cứu kịp thời tùy theo triệu chứng và mức độ nặng của biến chứng để thực hiện hồi sức như hồi sức hô hấp, hồi sức tuần hoàn nếu có dấu hiệu khó thở, suy hô hấp, trụy mạch, hôn mê,…
- Vệ sinh cơ thể. Rửa tay thường xuyên. Đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh
TƯ VẤN VÀ ĐẶT LỊCH KHÁM
- Đăng ký Khám qua Hotline: 028 3910 9888
- Đăng ký Khám qua Email: info-clinic@aih.com.vn
- Đăng ký Khám tại Website: aic.healthcare
- Hoặc đến trực tiếp địa chỉ AIC: 79 Điện Biên Phủ, P. Đa Kao, Quận 1, Hồ Chí Minh, Việt Nam